Đánh giá ảnh hưởng của ChatGPT trong giáo dục đại học

Sáng 25.2, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội thảo “Giảng dạy và đánh giá kết quả học tập trình độ đại học trong bối cảnh ChatGPT”. Hội thảo nhằm thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học với sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục.

Về phía ĐHQG-HCM, có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM); TS. Dương Tôn Thái Dương – Phó trưởng Ban Đào tạo, cùng sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên và đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM.

Đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý tham gia chương trình – Ảnh: Như Quyền  

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định: “Trong bối cảnh mới, ChatGPT là một trong những hiện tượng ảnh hưởng không ít đến đời sống con người, nhất là lĩnh vực giáo dục. Trong hệ thống ĐHQG-HCM, cần có sự hiểu biết và các chính sách, biện pháp giảng dạy sao cho phù hợp với thời đại hiện nay”. 

PGS. TS Nguyễn Minh Tâm cho rằng ChatGPT ảnh hưởng không ít đến lĩnh vực giáo dục – Ảnh: Thanh Bình

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các Trường ĐH thành viên trực thuộc ĐHQG-HCM đã có 4 phần báo cáo về ChatGPT: Tổng quan về ChatGPT – khả năng và hạn chế; Chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy trong bối cảnh ChatGPT; Khám phá tiềm năng của ChatGPT trong giảng dạy và nghiên cứu; Đào tạo đại học thời ChatGPT – thách thức và cơ hội.

PGS. TS. Đinh Điền trình bày báo cáo về tổng quan, khả năng và hạn chế của ChatGPT – Ảnh: Như Quyền 

Các báo cáo chủ yếu tập trung về những cơ hội và thách thức của việc sử dụng ChatGPT trong thời đại cách mạng công nghệ hiện nay. Bên cạnh những cơ hội và thách thức, ChatGPT còn có những tiềm năng hỗ trợ trong việc nghiên cứu và giảng dạy.

PGS.TS Đinh Điền – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Máy tính, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM cho rằng ChatGPT có một số hạn chế như dữ liệu chỉ cập nhật đến cuối năm 2021, vẫn còn trả lời sai những vấn đề mang tính đặc thù vì không có ngữ liệu (chẳng hạn ngữ liệu chữ Nôm), kết quả trả lời đôi khi mất kiểm soát do cơ chế tự học. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là trong thời gian sắp tới, số lượng dữ liệu cung cấp cho ChatGPT sẽ tăng lên gấp bội.

Ông lưu ý câu trả lời của ChatGPT không phải lúc nào cũng giống nhau hoàn toàn mà đầu ra phụ thuộc vào cách hỏi, lịch sử hỏi và hàm xác suất, do đó khó phát hiện văn bản nào là của máy để nhận diện đạo văn. Điều này đặt ra thách thức lớn trong vấn đề đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Một thách thức khác là vấn đề truy nguồn thông tin. Các chatbot như ChatGPT lấy thông tin từ nhiều nguồn ngôn ngữ. PGS.TS Đinh Điền so sánh với việc tìm kiếm thông tin trên Google, câu hỏi bằng ngôn ngữ nào thường trả ra kết quả bằng ngôn ngữ tương ứng. Trong khi đó, ChatGPT có thể truy xuất thông tin từ nguồn viết bằng ngôn ngữ này nhưng trả lời cho người dùng bằng ngôn ngữ khác. Do đó, việc truy nguồn và kiểm chứng thông tin là hết sức khó khăn.

TS. Huỳnh Văn Thông cho rằng ChatGPT là một hệ thống thông tin khổng lồ và còn phát triển nhiều hơn trong tương lại – Ảnh: Thanh Bình 

“Hệ sinh thái” thông tin số hỗ trợ trong hoạt động giáo dục 

TS. Huỳnh Văn Thông – Trưởng bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông nhận định, ChatGPT là một hệ thống thông tin khổng lồ, một cánh cổng mới của việc truy xuất tài nguyên. Hệ sinh thái thông tin số (DIE) vốn đã phong phú, nay có thêm sức mạnh AI. DIE (Digital Information Ecosystem) khó có khả năng “thay thế” nhà trường và người thầy, nhưng DIE+AI thì hoàn toàn có thể.

Theo đó, ChatGPT giúp việc giảng dạy trở nên hiệu quả hơn. Các bài kiểm tra và đánh giá có thể được tự động hóa và thực hiện nhanh chóng, tùy chỉnh hóa quá trình giảng dạy, cải thiện sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Ông cho rằng cần thay đổi chiến lược thiết kế dạy học, chẳng hạn giảng viên tự điều chỉnh cơ cấu giờ giảng bài/giờ tương tác theo hướng tăng số giờ tương tác. Một đề xuất khác là chuyển trọng tâm thiết kế nội dung dạy học từ kiểu tập trung vào chủ đề sang tập trung vào vấn đề và hoạt động. Chương trình đào tạo cũng nên được điều chỉnh theo hướng giải phóng thời gian, giải phóng tư duy, cần cập nhật lại chuẩn đầu ra, sẵn sàng cắt bỏ hay giảm thiểu những môn học thuần túy cung cấp thông tin, và tăng cường các học phần mang tính tổng hợp kiến thức.

Tính năng và hạn chế

Bên cạnh hỗ trợ lĩnh vực giảng dạy, ChatGPT còn có những chức năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: tra cứu, tổng hợp thông tin theo yêu cầu, phân tích số liệu, giải bài tập toán, viết code, giải code, soạn thảo văn bản, thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, nhược điểm của ChatGPT là: chất lượng nguồn thông tin có thể sai lệch, không chính xác, dễ dẫn đến lạm dụng công cụ hỗ trợ và việc kiểm tra và cần đánh giá đúng bản chất.

PGS. TS Nguyễn Minh Tâm (trái) và TS. Dương Tôn Thái Dương (phải) chủ trì phiên thảo luận – Ảnh: Như Quyền

Phiên thảo luận đã ghi nhận các ý kiến đóng góp và làm rõ hơn về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào trong hoạt động giáo dục thời hiện đại. Từ đó, đưa ra những phương pháp và những đề xuất có hiệu quả để áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hoạt động giảng dạy – học tập. Trong đó, Hội thảo đi đến kết luận cần đẩy mạnh phát triển phương pháp giảng dạy với sự cộng tác của AI và Robot, mở các khóa học dạy về ứng dụng ChatGPT, thực hiện các đề tài nghiên cứu về ChatGPT.

ChatGPT là một chatbox do công ty OpenAl phát triển và được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới, là ví dụ điển hình về cuộc cách mạng của nhân loại, đánh dấu bước tiến về trình độ phát triển công nghệ và đặt nền móng trong công cuộc giải phóng chất xám.

NHƯ QUYỀN – THANH BÌNH

 

Nguồn: https://hcmussh.edu.vn/tin-tuc/danh-gia-chatgpt-trong-giao-duc-dai-hoc