Thanh Niên Asean Hành Động Vì Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Trong Bối Cảnh Chuyển Đổi Số

Sáng ngày 15/4, Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP. HCM, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phối hợp đồng tổ chức Tọa đàm quốc tế: “THANH NIÊN ASEAN VÀ CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ”.

Chương trình có sự tham dự của TS. Nguyễn Minh Nhựt – Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP. HCM; Ông Hồ Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. HCM; PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP. HCM; TS. Phan Thanh Định – Phó bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG–HCM; Đại diện các hội hữu nghị, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – quốc tế, các trường đại học trên địa bàn TP. HCM;….

Về phía đại biểu quốc tế có sự hiện diện của: Ngài Agustavinano Sofjan – Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Indonesia, Bà Wong Chia Chiann – Tổng lãnh Malaysia, Ông Amphay Souvannaseng – Phó Tổng lãnh sự Lào tại TP.HCM, Ông Trần Hiếu Thành – Lãnh sự, Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP. HCM, Ông Kim Nam Hoon (CLB Hydrogen Việt Nam – ASEAN);….

Về phía diễn giả khách mời có PGS.TS Đinh Điền – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM; Ông Lê Ngọc Ánh Minh – Giám đốc điều hành Pacific Group, Chủ nhiệm CLB Hydrogen Việt Nam – ASEAN và Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà.

Ngoài ra còn có sự tham gia đông đảo của sinh viên của các trường đại học, sinh viên quốc tế cũng như các cá nhân có quan tâm đến chủ đề phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Phan Thanh Định – Phó bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG–HCM đã khuyến khích giới trẻ ASEAN hành động và đưa ra các chiến lược để kiến tạo môi trường bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số, trong đó, các sinh viên chính là nhân tố chính thức đẩy các dự án phục vụ các mục tiêu SDGs của Liên Hiệp Quốc đồng thời là lực lượng tiên phong cho quá trình chuyển đổi số đang ngày càng lan rộng trên toàn cầu. Qua đó, TS. Định khuyến khích thanh niên, sinh viên Việt Nam và các nước ASEAN đưa ra sáng kiến để tham gia giải quyết các “Vấn đề ASEAN – tâm điểm của sự tăng trưởng” (khẩu hiệu của Indonesia – quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2023 đề xướng) thông qua các diễn đàn, cuộc thi về Phát triển bền vững do Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM cũng như Nhà trường đăng cai tổ chức.

Ngài Agustavinano Sofjan – Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia chia sẻ với thanh niên ASEAN về những khó khăn và thử thách mà khu vực ASEAN đã phải đối mặt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng đó cũng là cơ hội để mở ra kỷ nguyên chuyển đổi số với các ứng dụng rất thiết thực mà Indonesia và Việt Nam đã thành công khi đưa các kỹ thuật điều khiển tự động từ xa vào các lĩnh vực về kinh tế, ngân hàng, dịch vụ và logistics. Qua đó, Ông Sofjan nhấn mạnh giới trẻ ASEAN cần lưu ý 3 yếu tố tiềm năng để phát triển khu vực mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, đó là thích ứng, sáng tạo và cải tiến. Ông kêu gọi người trẻ hãy hành động vì sự bền vững và vươn tầm khu vực của ASEAN thông qua 3 gợi ý mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Retno Marsudi đề cập, đó chính là: Tiên phong đổi mới sáng tạo, Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ ASEAN và Nâng cao trách nhiệm xã hội. Ông nhắn nhủ với giới trẻ rằng các bạn sẽ là chủ nhân của tương lai ASEAN với việc các bạn đang là lực lượng chiếm 1/3 dân số trong khu vực, do đó các bạn hãy đoàn kết để cùng nhau hướng tới một ASEAN năng động và thịnh vượng hơn.

Cũng trong buổi tọa đàm, PGS. TS. Đinh Điền đã chia sẻ một góc độ cụ thể trong việc chuyển đổi số với các thanh niên ASEAN, chính là phần mềm ChatGPT.  PGS. TS. Điền đã đề cập đến các tính năng vượt trội, ứng dụng thực tiễn, hạn chế cũng như thách thức của phần mềm này thông qua các ví dụ sinh động cũng như các trường hợp thú vị mà ChatGPT đem lại cho con người. PGS. TS. Điền cũng giải thích nguyên lý vận hành, nguồn dữ liệu của ChatGPT và cách phần mềm này mô phỏng các hoạt động học thuật như tìm hiểu kiến thức, dịch thuật, thực hiện các văn bản về nghiên cứu khoa học. Qua đó, PGS. TS. Điền nhấn mạnh dù là một phần mềm có nhiều công năng vượt trội nhưng quan trọng là cách mà người trẻ ASEAN chúng ta làm chủ và vận dụng phần mềm vào các mục đích tốt để phát triển một môi trường kỹ thuật số lành mạnh trong bối cảnh mà bản thân ChatGPT cũng có nhiều lỗ hổng và lỗi sai cả về kỹ thuật và đạo đức người sử dụng. Kết thúc phần trình bày, PGS. TS. Điền mong muốn Thanh niên ASEAN dùng tri thức của mình để viết lên được điều tốt đẹp cho cuộc đời cũng như liên tục cập nhật các kiến thức mới nếu không sẽ bị tụt hậu trong xã hội hiện nay.

Ngoài ra, phần chia sẻ của Ông Lê Ngọc Ánh Minh – Giám đốc điều hành Pacific Group, Chủ nhiệm CLB Hydrogen Việt Nam – ASEAN đề cập yếu tố sáng tạo hướng đến sự bền vững, nền kinh tế tuần hoàn đang là xu thế. Vậy nên, điển hình như Rác thải – chúng được xem là nguồn tài nguyên quý chứ không phải thứ vứt bỏ. Với vai trò là doanh nghiệp, ông kêu gọi người trẻ đừng sợ hãi mà không dám thử, hãy bức phá để vượt qua giới hạn của bản thân và cho bản thân đắm chìm vào sự sáng tạo, từ đó chúng ta mới có các sáng kiến, giải pháp để kiến tạo sự bền vững và tận dụng các cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới ngày càng ít đi nguồn tài nguyên cho chúng ta, ngoài ra ông đề cập tới cơ hội để người trẻ sẵn sàng đưa các ý tưởng của mình thông qua “Diễn đàn sáng tạo dành cho thanh niên ASEAN” do CLB Hydrogen Việt Nam – ASEAN, Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á tổ chức.

Phần phát biểu truyền cảm hứng của Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà góp thêm niềm tin cho thanh niên, sinh viên vươn tầm ra khu vực và thế giới. Hoa hậu trong vai trò là một người trẻ Việt Nam, đã nói lên những thực trạng về môi trường hiện nay và mỗi người trẻ chúng ta đều đang đứng trước ngã ba giữa áp lực môi trường và thôi thúc phát triển. Hoa hậu cũng như bao người trẻ ASEAN mang sứ mệnh của những người đi tìm chìa khóa cho sự phát triển bền vững và chuyển đổi số đang là một phương thức tiêu biểu để thực hiện đươc mục tiêu đó. Hoa hậu đề cập về các công ty khởi nghiệp về nông nghiệp, năng lượng sạch, giải pháp kết nối… đã tìm ra sáng kiến tạo ra dịch vụ ưu việt, tiết kiệm nguồn lực lao động, tiết kiệm tài nguyên thông qua giải pháp số. Ở góc độ nào đó, chuyển đổi số đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong thế kỷ này. Hoa hậu cũng chia sẻ nỗi niềm của mình về môi trường trong hành trình đi tới vương miện Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 tại Ai Cập, các thí sinh đều được hỏi xoay quanh những vấn đề môi trường mà các người đẹp quan tâm tại quê hương mình. Với hoa hậu, đó là hình ảnh của Đồng bằng Sông Cửu Long, đang phải ráo riết thích nghi với hạn hán, xâm nhập mặn, lao động di cư vì không thể mưu sinh dựa vào thiên nhiên như trước. Từ đó, Hoa hậu đã kêu gọi giới trẻ cùng nhau bàn luận và hành động vì môi trường cho sự phát triển bền vững của khu vực ASEAN cũng như trên toàn thế giới.

Kết thúc tọa đàm PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP. HCM, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN đã đánh giá cao những nỗ lực của các diễn giả khách mời khi đem lại một môi trường thảo luận về vấn đề phát triển bền vững và chuyển đổi số trong giới trẻ ASEAN. PGS. TS. Xuân mong muốn sẽ có nhiều hơn những tọa đàm, hội thảo, hội nghị về môi trường, phát triển bền vững và chuyển đổi số trong tương lai. Khép lại buổi tạo đàm, PGS. TS Xuân đã đúc kết với các bạn trẻ về hệ giá trị 5Ks: Khát vọng – Kinh nghiệm – Kế hoạch – Kết nối – Kết đoàn. Nếu có 5 chữ K trên chắn chắn các bạn thanh niên, sinh viên sẽ đạt được những kết quả, thành tựu tốt đẹp trong bối cảnh sáng tạo – thích ứng với thế giới chuyển đổi số cũng như đạt được mục tiêu trong khu vực “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của sự tăng trưởng” – như khẩu hiệu của nước chủ nhà luân phiên 2023 của ASEAN là Indonesia.

Một số hình ảnh về buổi tọa đàm:

 

 

 

 

 

Nguồn: https://hcmussh.edu.vn/news/item/25142