‘Lạm dụng ChatGPT viết sách chỉ ra mì ăn liền’

Tối 20/4 tại TP.HCM diễn ra tọa đàm chủ đề ‘ChatGPT về việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay’ trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam.

Bốn diễn giả của tọa đàm gồm Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – PGS.TS Đinh Điền, Ths Nguyễn Minh Huấn, Giám đốc VoizFM – Lê Hoàng Thạch và doanh nhân Lê Đăng Khoa.

Chương trình còn có sự góp mặt của các khách mời như giám đốc – tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM Thanh Thủy, BTV – tác giả Phương Huyền, tác giả Lê Huỳnh Đức…

Tại diễn đàn, các diễn giả cho rằng “cơn sốt ChatGPT” khá hiển nhiên trong thời đại công nghệ. Ra mắt trong 7 tháng, ChatGPT tạo hiện tượng khi sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ ở phạm vi toàn cầu cùng khả năng xử lý dữ liệu nhanh và hiệu quả bậc nhất.

Theo họ, diễn đàn không đề cao hay phủ nhận vai trò của ChatGPT mà hướng mọi người đối diện, hiểu đúng về lợi và hại công cụ của AI (trí tuệ nhân tạo) này.


Doanh nhân Lê Đăng Khoa và Ths Nguyễn Minh Huấn.

Từ chủ đề ChatGPT về việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay, các diễn giả chia sự tác động của ChatGPT đối với 2 mảng viết văn (fiction) và viết sách (non-fiction) của giới trẻ.

Đối với viết văn, diễn giả, khách mời thống nhất rằng ChatGPT không thể thay thế nhà văn bởi công cụ này không có sự sáng tạo, phong cách và cảm xúc của con người.

Lê Huỳnh Đức – tác giả cuốn Trở thành tác giả, Thông ba lá… nói ChatGPT có thể sao chép phong cách của nhà văn bằng cách tổng hợp điểm chung của các dữ liệu mẫu văn được nhập.

Nếu người dùng đưa ra lệnh hợp lý, ChatGPT có thể cho ra một bản thảo mang phong cách văn chương của một nhà văn cụ thể. Trường hợp người dùng có năng lực biên tập, hoàn toàn có khả năng cho ra đời một tác phẩm văn học hoàn chỉnh.

“Nhưng thực tiễn, bạn đọc một quyển văn chỉ rơi nước mắt ở những phần sâu sắc, cá nhân nhất của tác giả, thường là tầng nghĩa số 3 và số 5. Điều này ChatGPT chưa làm được”, anh cho hay.

Theo PGS.TS Đinh Điền, nhà văn có thể tận dụng rất nhiều khả năng của ChatGPT cho việc viết lách.

ChatGPT có thể là công cụ tuyệt vời giúp nhà văn kiểm tra sai lỗi trong bản thảo của mình, thậm chí là những chi tiết có khả năng xảy ra tranh cãi liên quan phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc…

Công cụ này cũng có thể đưa ra hàng loạt gợi ý về ngôn ngữ, giúp nhà văn có thêm ý tưởng diễn đạt hoặc khơi nguồn sáng tạo. Ông dẫn chứng Từ điển Oxford bán chạy toàn cầu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích định nghĩa, kết cấu từ vựng, tần suất dùng từ… cách đây 10 năm.


PGS.TS Đinh Điền và anh Lê Hoàng Thạch.

Dù vậy, theo phó giáo sư, nhà văn Việt Nam hiện khó ứng dụng ChatGPT vì phần lớn dữ liệu của công cụ này là tiếng Anh và tiếng Trung, phần dữ liệu tiếng Việt chưa đến 1%.

Đối với viết sách (phi văn chương), Lê Hoàng Thạch – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ WEWE (VoizFM) tiết lộ thực tế có một nhóm viết sách chuyên nghiệp đang khai thác khả năng của ChatGPT ở TP.HCM.

Cụ thể, nhóm chia thành 3 bộ phận gồm huấn luyện và sản xuất nội dung bằng ChatGPT, biên tập rồi thương mại hóa, tạo thành dây chuyền viết sách hàng loạt.

Nhóm này luôn tập trung viết những tựa sách về chủ đề đang tạo xu hướng như thao túng tâm lý, bạo lực lạnh… giành lợi thế bán sách trước những tác giả dày công nghiên cứu chủ đề tương tự.

Anh nhận định: “Lạm dụng ChatGPT viết sách giống mì ăn liền – không ngon nhưng luôn bán chạy, phục vụ một nhóm người tiêu dùng nhất định.

Người dày công nghiên cứu có thể tạo ra những tác phẩm vĩ đại, để đời ví như fine dining (bữa ăn cao cấp), luôn có đối tượng người tiêu dùng tương xứng tìm đến. Vì vậy, viết sách cho mục đích nào là tùy ở người trẻ lựa chọn”.

 

Nguồn: https://vietnamnet.vn/lam-dung-chatgpt-viet-sach-chi-ra-mi-an-lien-2135000.html