Diễn giả tọa đàm tối 20-4 cho rằng có thể dùng ChatGPT để viết tác phẩm. Nhưng phía tác giả, nhà xuất bản cho rằng sản phẩm từ ChatGPT không thể gọi là sáng tạo.
Những luận điểm đối lập nhau được đưa ra trong diễn đàn ChatGPT về việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức vào tối 20-4.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2023 tại TP.HCM.
ChatGPT có thay thế người viết?
Mở đầu chương trình, phó giáo sư Đinh Điền – giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho biết AI không lạ, nhưng lần này ChatGPT có thể gây ra cú sốc với mọi người vì liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ.
Ông nói: “Mọi vấn đề đều đi qua ngôn ngữ, trong đó có xuất bản. Để viết sách hay làm gì chúng ta cũng cần thông tin. Ngày trước mọi người dùng Google để tìm kiếm. Giờ ChatGPT được học hàng trăm thứ tiếng, hàng triệu cuốn sách nên nó giống như tri thức của toàn nhân loại”.
Cùng ý kiến với phó giáo sư Đinh Điền, doanh nhân Lê Đăng Khoa cho rằng ChatGPT sử dụng một lượng lớn dữ liệu để tổng hợp kiến thức toàn cầu mà không có cá nhân, tổ chức nào trên thế giới có thể tổng hợp được nhanh và hiệu quả như thế.
Theo anh, công cụ ChatGPT khai thác được mức độ làm việc hiệu quả, năng suất và tiết kiệm hơn.
Tại diễn đàn, tác giả Phương Huyền thẳng thắn chỉ ra những điểm mà ChatGPT không thể làm trong lĩnh vực sáng tạo. Cô nói:
“Tôi tin nhà văn vẫn có chỗ đứng riêng, Chat GPT có thể làm nhiều thứ, đưa ra câu chuyện hay nhưng không thể nào có được trí tưởng tượng.
Ta có nhà văn Trần Đức Tiến với Xóm bờ giậu, Nguyễn Thị Kim Hòa với Vương quốc ngộ nghĩnh… là những quyển sách cực kỳ thú vị.
Có lẽ chỉ có trí tưởng tượng và cách mà chúng ta gần gũi với trẻ con, sẵn sàng làm những điều ngờ nghệch, ngốc nghếch như trẻ con thì mới có thể viết được những điều đó. Dĩ nhiên, nhà văn cũng cần sử dụng công cụ ChatGPT để giúp khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng mở rộng hơn”.
“ChatGPT như mì ăn liền”
Tại buổi giao lưu, thạc sĩ Nguyễn Minh Huấn – thành viên hội đồng tư vấn chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM trong giai đoạn 2020-2030, thị phạm cho khán giả cách ông sử dụng công nghệ hiện đại tạo ra một dự án sách nấu ăn.
Theo đó, các diễn giả cho rằng hoàn toàn có thể huấn luyện ChatGPT trở thành một công cụ viết với văn phong giống hệt những nhà văn nổi tiếng.
Tuy nhiên, phía tác giả và nhà xuất bản cho rằng các sản phẩm do ChatGPT tạo ra không được gọi là sản phẩm sáng tạo bởi vì không có tính đột phá mà chỉ sao chép từ người khác.
Thạc sĩ Thái Thu Hoài – phó trưởng khoa khoa xuất bản, Trường đại học Văn hóa TP.HCM – cho biết: “Khó mà có thể thay đổi được, nói thẳng ra, không gì có thể thay đổi được sự sáng tạo và những cảm xúc rất người, rất nhân văn của các nhà văn, đặc biệt là nhà văn trẻ.
Nhà văn trẻ hiện nay có hướng tiếp cận khoa học công nghệ rất tốt. Nhưng sự sáng tạo đòi hỏi phải xuất phát từ nền tảng cảm xúc của con người”.
Nhận định chung về mức ảnh hưởng của ChatGPT, Lê Hoàng Thạch – giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ WEWE (VoizFM) – cho biết:
“Viết bằng ChatGPT giống như mì ăn liền. Không ai nói mì ăn liền ngon nhưng nó bán được và phục vụ một nhu cầu nhất định cho những người cần. Nếu viết sách để kinh doanh, ChatGPT là một lựa chọn, còn viết sách để đời chúng ta cần có sức lao động nhiều hơn”.
Sau những tranh luận về vai trò của ChatGPT, ông Nguyễn Minh Huấn cho biết diễn đàn không nhằm mục đích nâng ChatGPT ngang tầm một nhà văn mà là trao đổi để nhìn nhận công nghệ mới với các mặt lợi, hại. Từ đó có thể ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực của mình.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nho-chatgpt-viet-van-la-giet-chet-sang-tao-20230421061141263.htm