Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tọa đàm chủ đề “Ứng dụng trò chuyện trí tuệ nhân tạo (ChatBot AI) trong hoạt động quản lý nhà nước ở các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao”

Nhằm nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức về lợi ích của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao. Qua đó, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); khuyến khích công chức, viên chức thuộc các phòng chức năng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đề xuất giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến phương pháp làm việc nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu quản lý nhà nước và phục vụ người dân.

Ngày 27 tháng 10 năm 2023, tại số 164 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1 đã diễn ra buổi tọa đàm chủ đề “Ứng dụng trò chuyện trí tuệ nhân tạo (ChatBot AI) trong hoạt động quản lý nhà nước ở các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao”. Đến tham dự buổi tọa đàm có Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; PGS.TS Đinh Điền – Giám đốc Ngôn ngữ học tính toán – Trường Đại học khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh; Lãnh đạo các phòng chức năng và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; Đại diện Ban Chấp hành các Công đoàn cơ sở thành viên thuộc Sở cùng toàn thể công chức khối Cơ quan Sở.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đinh Điền đã giới thiệu những lợi ích trong việc ứng dụng ChatGPT&AI đối với Ngành Văn hóa và Thể thao như hỗ trợ tư vấn các vấn đề liên quan đến giấy phép tổ chức sự kiện, quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ văn hóa và thể thao; Phân tích xu hướng tham gia các sự kiện văn hóa, giúp định hướng và tối ưu hóa chiến lược tổ chức sự kiện; Tự động hóa các quy trình xét duyệt, giảm thiểu thời gian và nhân lực; Phân tích và dự đoán xu hướng văn hóa và thể thao, đồng thời đề xuất các chiến lược và kế hoạch dựa trên dữ liệu thực tế; Hỗ trợ giải đáp thắc mắc, tăng cường giao tiếp và tương tác giữa các đơn vị thuộc Sở và người dân. Ngoài ra trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy, AI có thể được sử dụng để tự động hóa quá trình lưu trữ và phân loại di sản văn hóa. Chatbot có thể giúp cung cấp thông tin nhanh chóng về các dịch vụ, sự kiện văn hóa và thể thao, giải đáp thắc mắc của người dân một cách tức thì; tự động hóa và cá nhân hóa dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dân và các đối tác; trên cơ sở phân tích dữ liệu về quan hệ đối tác, từ đó đề xuất các chiến lược hợp tác hiệu quả nâng cao vai trò hợp tác quốc tế.

Tìm hiểu sâu hơn về ứng dụng chatbot, báo cáo viên Đinh Điền cũng đã giải đáp các thắc mắc cũng như những chia sẻ, mong muốn và sự quan tâm của công chức, người lao động đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác tham mưu quản lý nhà nước để phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Chị Lê Thị Hậu, chuyên viên Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình chia sẻ về tầm ảnh hưởng trong việc phát triển của trí tuệ nhân tạo AI đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao, gia đình. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người thực hiện những hành động thủ công một cách nhanh gọn với nhiều sự lựa chọn mới và tốt hơn. Cụ thể, AI hỗ trợ thuận lợi trong việc viết các nội dung báo cáo, tham luận như giảm thiểu sức người (nhân lực), giảm thời gian thực hiện, giảm quy trình thực hiện và thậm chí giúp cho công tác dự báo quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành văn hóa, thể thao, gia đình. Song song đó AI (Chat Sonic) có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào phân biệt được tác phẩm nghệ thuật do con người tạo ra và tác phẩm nghệ thuật do AI (Chat Sonic) tạo ra? Cơ quan quản lý nhà nước cần chuẩn bị những gì để theo kịp sự thay đổi và phát triển này?

Trao đổi về những thắc mắc của mình, anh Vũ Thọ, chuyên viên Phòng Tổ chức – Pháp chế chia sẻ trải nghiệm bản thân về các gói sản phẩm ChatGPT, đối với gói tính phí thì dữ liệu của hệ thống bị giới hạn về thời gian, chỉ có dữ liệu từ lúc sản phẩm ra đời cho đến ngày 01/01/2023.  Vậy đối với gói sản phẩm phiên bản mở rộng thì có bị giới hạn về thời gian sử dụng dữ liệu hay không? Và nhận định của diễn giả đối với sự thay thế của AI trong tương lai về sự sáng tạo do con người luôn tư duy phát triển và sáng tạo không ngừng, còn AI chỉ là vận dụng những điều đã được lập trình sẵn.

Bên cạnh sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI thì chúng ta phải đối mặt với các rũi ro tiềm ẩn như tin tặc, rò rỉ thông tin, lừa đảo qua mạng,.. Mỗi cá nhân cần đảm bảo tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu người dùng khi sử dụng ChatGPT, tránh cung cấp thông tin riêng tư cũng như không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho một ứng dụng chưa được kiểm chứng.

Một số hình ảnh tại tọa đàm:
112 (1)3 (1)4 (1)5SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO

Link: http://svhtt.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/so-van-hoa-va-the-thao-to-chuc-toa-đam-chu-đe-ung-dung-tro-chuyen-tri-tue-nhan-tao-chatbot-ai-trong-hoat-đong-quan-ly-nha-nuoc-o-cac-linh-vuc-thuoc-chuc-nang-quan-ly-nha-nuoc-cua-so-van-hoa-va-the-thao–24385-1803.html